Điểm then chốt để được cứu độ trong cuộc chung thẩm đó là
con người không thấy mà làm hay không làm, thế thôi
Chúa Nhật XXIV Thường Niên cũng là Chúa Nhật Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật cuối cùng cũng là Chúa Nhật kết thúc phụng niên, mang ý nghĩa đó là mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô đã lên đến tột đỉnh về phụng vụ trong cả một phụng niên, thời điểm mà suốt một năm trời trong giòng lịch sử của nhân loại Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, bao gồm những biến cố của Người: “Hóa Thành Nhục Thể” (Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh mở màn cho phụng niên), Mầu Nhiệm “ở cùng chúng sinh” (Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh), Khổ Nạn và Vượt Qua (Mùa Chay, Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh), “ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế” nhờ Thánh Linh Hiện Xuống (Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh).
Về ý nghĩa liên quan đến Chúa Kitô Vua, mỗi chu kỳ phụng vụ đều có một ý nghĩa khác nhau, tùy theo Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc.
Ở chu kỳ phụng niên Năm A, chiều kích về Chúa Kitô Vua liên quan đến quyền phán xét muôn dân qua cuộc chung thẩm vào lúc Người lại đến trong vinh quang (ám chỉ Người là Vua của toàn thể nhân loại và của cả vũ trụ này), như Bài Phúc Âm Thánh Mathêu ở cuối đoạn 25 hôm nay cho thấy.
Ở chu kỳ phụng niên Năm B, không theo Phúc Âm Thánh Marco như thường lệ mà là theo Phúc Âm Thánh Gioan, chiều kích về Chúa Kitô Vua liên quan đến vương quốc siêu việt không thuộc về thế gian của Người (so với quyền lực trần tục của đế quốc Rôma hiện thân nơi Tổng Trấn Philato là nhân vật lịch sử đã nghe thấy Người tuyên bố về vương quốc của Người như vậy).
Ở chu kỳ phụng niên Năm C, chiều kích về Chúa Kitô Vua liên quan đến quyền năng cứu độ của Người (được tỏ ra nơi trường hợp người trộm thống hối, chứng tỏ Nước của Người không thuộc về thế gian này mà là thuộc về một thế giới thần linh siêu nhiên bất diệt).
Trong cuộc chung thẩm được Bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu thuật lại cho Chúa Nhật XXXIV trọng kính Chúa Kitô Vua hôm nay, Chúa Kitô chẳng những tỏ ra Người là vua trời đất (bao gồm cả các thần trời) mà còn xác định rõ Người là Vua có toàn quyền xét xử và thưởng phạt muôn dân thiên hạ như sau (những chỗ in nghiêng do người viết tự ý nhấn mạnh và chứng thực những gì đang được diễn giải):
“Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng ‘Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ…’”
Tiêu chuẩn thưởng phạt công minh trong cuộc chung thẩm này đó là đức bác ái yêu thương tha nhân, một tiêu chuẩn áp dụng đặc biệt cho thành phần môn đệ của Chúa Kitô, thành phần đang được Người ngỏ lời với. Và thành phần tha nhân cần được tỏ lòng bác ái yêu thương đây lại là chính bản thân Người, một bản thân đã được đồng hóa với thành phần bất hạnh cần được thương xót: “các anh em bé mọn nhất của Ta”.
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô Vua lại đồng hóa mình với thành phần anh em hèn mọn nhất của Người, nếu không phải vì Người đã “yêu thương những kẻ thuộc về mình thì Người muốn chứng tỏ Người yêu họ đến cùng” (Gioan 13:1). Mà “đến cùng” đây không phải chỉ đến cùng của tình yêu của Người mà đến con người tội nhân khốn nạn cuối cùng. Bởi thế, tất cả vinh hiển và chân dung của Lòng Thương Xót vô cùng nhân hậu của Người được tỏ ra nơi những con người cùng tận này.
Tuy nhiên, cả thành phần chiên được cứu độ lẫn thành phần dê bị hư đi đều lạ lùng trả lời vị vua thẩm phán tối cao này giống như nhau: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?"
Như thế, bề ngoài thì tiêu chuẩn ở cuộc chung thẩm liên quan đến số phận đời đời của tất cả mọi người và từng người, bao gồm cả chiên lẫn dê, rõ ràng đó là đức bác ái yêu thương, thế nhưng bề trong là chính đức tin, một “đức tin thể hiện qua đức ái” (Galata 5:6): “có bao giờ chúng con thấy Chúa”. Điểm then chốt để được cứu độ ở đây là con người không thấy mà làm hay không làm, thế thôi: làm theo đức tin như chiên thì được cứu độ, còn không làm như dê bởi không tin thì bị hư mất.
Thật vậy thành phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, dù có đức tin cũng có thể bị hư đi nếu không sống “đức tin thể hiện qua đức ái”. Kitô hữu không sống đức ái yêu thương bằng đức tin, thì ở một nghĩa nào đó, cũng chẳng khác gì hay hơn gì dân ngoại hoặc thành phần thu thuế, thành phần tội lỗi, như chính Chúa Giêsu khẳng định (xem Mathêu 5:47), nghĩa là chẳng khác gì như vô thần.
Trái lại, cho dù là dân ngoại vô thần thường sống buông thả theo tự nhiên hay là thành phần ngoại lai sống chẳng khác gì dân ngoại, điển hình là người Samaritanô nhân lành, trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 10 (33-34), đã tự động ra tay cứu vớt nạn nhân đáng thương lạ mặt thuần Do Thái vốn kỳ thị dân Samaria, họ vẫn là thành phần hữu thần hơn cả vị tư tế và thày levi trước đó trông thấy nạn nhân đều dửng dưng tránh né và bỏ đi.
Qua cuộc chung thẩm về đức bác ái yêu thương trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXXIV Trọng Kính Chúa Kitô Vua hôm nay đã cho thấy tính cách làm Vua của Chúa Kitô, ở chỗ Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ (xem Mathêu 20:28), phục vụ đoàn chiên của Người, như chính Người, qua miệng tiên tri Êzekiên trong Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy:
"Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính”.
Vì thế, nếu quả thực là chiên của vị mục tử vương giả vô cùng nhân hậu này, họ sẽ không thể nào, vào một lúc nào đó trong đời, không cảm thấy những tâm tình thiết tha cảm mến vị chủ chiên của mình như Thánh Vịnh gia đã bày tỏ và diễn tả ở Thánh Vịnh 22 trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ.
2) Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người.
3) Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
Thật ra, Chúa Kitô Vua đã thực sự làm Vua khi Người từ trong cõi chết sống lại, nghĩa là vào lúc Người hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết nơi chung bản thân của Người, là một ngôi vị thần linh, và nơi riêng nhân tính được Người mặc lấy: “Thày được toàn quyền trên trời dưới đất” (Mathêu 28:18). Thánh Phaolô trong Thư gửi Corintô lần đầu cũng ở Bài Đọc 2 hôm nay đã xác tín như vậy:
“Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực”.
Tuy nhiên, trên thực tế, cho dù theo nguyên tắc vương quốc của satan từ sau nguyên tội đã bị phá hủy bởi Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, vẫn càng ngày càng hoành hành và lộng hành như thể Thiên Chúa đã chết hay chẳng có Chúa tể nào khác ngoài satan cùng bọn ngụy thần của hắn, khi mà con người càng văn minh về cả khoa học kỹ thuật lẫn nhân bản càng bạo loạn và tự diệt như ngày nay, không còn luân thường đạo lý gì nữa, ngoài thần tượng tự do duy nhân bản, như đang xẩy ra từ và ở chính thế giới Tây phương Kitô giáo hiện nay. Đó là lý do Thánh Phaolô, trong cùng bức thư ở Bài Đọc 2 hôm nay đã phải công nhận với đầy xác tín về mầu nhiệm cánh chung thuộc về Thiên Chúa, Đấng là nguyên ủy và là cùng đích, là Alpha và Omega (xem Khải Huyền 1:8,23:13), Đấng canh tân đổi mới tất cả mọi sự (xem Khải Huyền 21:5), như sau:
“Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.